Nguyên Chất Từ Tâm
Trang chủ / Tin tức - Sự kiện / Cấp thiết truy xuất nguồn gốc nông sản

Cấp thiết truy xuất nguồn gốc nông sản

Nông sản được truy xuất nguồn gốc sẽ nâng cao giá trị sản phẩm, tăng tính cạnh tranh trên thị trường, là tiêu chí bắt buộc khi xuất khẩu.

Nông sản hàng hóa Quảng Nam cần được truy xuất nguồn gốc để nâng cao cạnh tranh trên thị trường. Ảnh: Q. VIỆT
Nông sản hàng hóa Quảng Nam cần được truy xuất nguồn gốc để nâng cao cạnh tranh trên thị trường. Ảnh: Q. VIỆT

Xu hướng tiêu dùng

Để đáp ứng nhu cầu sử dụng thực phẩm sạch của người tiêu dùng, ngành nông nghiệp tỉnh đã phối hợp với nhiều địa phương trên địa bàn hỗ trợ người nông dân sản xuất các loại rau, củ, quả theo phương thức VietGAP. Làng rau Hưng Mỹ (xã Bình Triều, Thăng Bình) đã khởi sắc hơn trong thời gian qua nhờ đáp ứng tiêu chuẩn VietGAP. Tuy nhiên, các sản phẩm rau quả của địa phương này vẫn chưa được truy xuất nguồn gốc là thiệt thòi của người nông dân khi sản phẩm thiếu cạnh tranh trên thị trường. Chị Nguyễn Thị Thanh (phường An Mỹ, TP.Tam Kỳ) khi mua hàng nông sản ở siêu thị Co.opMart Tam Kỳ cho biết, ưu tiên lựa chọn những sản phẩm được truy xuất nguồn gốc. “Tôi cài đặt mã QR trên điện thoại để quét mã QR truy xuất nguồn gốc những sản phẩm nông sản định mua. Nhờ biết được xuất xứ của sản phẩm, doanh nghiệp sản xuất, thời gian sản xuất nên yên tâm về chất lượng” – chị Thanh nói.

Bà Trần Thị Như Lai – Giám đốc Co.opMart Tam Kỳ cho rằng, với những quy định ngày càng chặt chẽ về an toàn thực phẩm, các doanh nghiệp đã dần chuyển hướng sản xuất sản phẩm sạch và tuân thủ các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về vệ sinh thực phẩm. Theo đó, truy xuất nguồn gốc nông sản sẽ đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng và được các doanh nghiệp quan tâm đầu tư. Bên cạnh việc đảm bảo cho người tiêu dùng tin tưởng vào nguồn gốc xuất xứ của nông phẩm còn giúp doanh nghiệp quảng bá hình ảnh và thương hiệu của mình, tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Tuy vậy, theo bà Lai, hầu hết hàng nông sản Quảng Nam có mặt ở Co.opMart Tam Kỳ đều chưa thể truy xuất nguồn gốc. Ông Trần Bốn – Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông – lâm – thủy sản cho biết, ở Quảng Nam chỉ có nước mắm được sản xuất ở Cửa Khe (xã Bình Dương, Thăng Bình) và Tam Thanh (Tam Kỳ) có thể truy xuất nguồn gốc, hàng nông sản khác còn bỏ ngỏ việc này. “Với chức năng quản lý chất lượng hàng nông – lâm – thủy sản, chúng tôi được Sở NN&PTNT giao trách nhiệm hỗ trợ nông dân thực hiện truy xuất nguồn gốc nông sản và mới chỉ thực hiện được ở 2 làng nghề nói trên. Hiện nay, UBND tỉnh đã giao trách nhiệm này cho cơ quan khác thực hiện, áp dụng đối với sản phẩm OCOP” – ông Bốn nói.

 Nhiều việc phải làm

Theo ngành chức năng, việc truy xuất nguồn gốc nông sản muốn làm đúng phải có sự kiểm soát chặt chẽ và thống nhất từ khâu nuôi trồng, canh tác, thu hoạch, vận chuyển, đưa ra thị trường… Tuy nhiên, tại Quảng Nam mỗi quy trình lại do một đơn vị quản lý khác nhau. Sự quản lý chồng chéo đã khiến việc truy xuất nguồn gốc nông sản khó đạt kết quả mong muốn.

Ông Phan Quang Dũng – Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông – lâm – thủy sản cho biết, thực tế công tác quản lý an toàn thực phẩm đã cho thấy không ít bất cập. Ví dụ, khi phát hiện, test nhanh mẫu cá nghi được ướp u rê cho dương tính nhưng không thể xử phạt mà chỉ có thể cảnh báo số ít người tiêu dùng. Vì phải lấy mẫu cá đó đi xét nghiệm, 7 – 15 ngày sau mới cho kết quả chính xác lấy đó làm cơ sở xử phạt. Nếu thu giữ mẫu cá nói trên mà kết quả xét nghiệm lại âm tính phải bồi thường. Do thời gian xét nghiệm quá lâu nên nhiều hàng nông sản kém chất lượng đã được tiêu thụ rộng rãi trên thị trường. “Khi test nhanh mẫu nông sản không đảm bảo an toàn thực phẩm cũng rất khó truy xuất hàng hóa đó được sản xuất từ đâu, thời gian nào. Vì thế, sản phẩm nông sản được truy xuất nguồn gốc để thông thương trên thị trường rất quan trọng. Đó là xu hướng tất yếu mà Quảng Nam không thể đứng ngoài cuộc, nhất là trong thời kỳ hội nhập, cần xuất khẩu nông sản để tăng giá trị kinh tế” – ông Dũng nói.

Theo ông Trần Bốn, từ thực tế hỗ trợ người dân áp dụng truy xuất nguồn gốc nước mắm cho thấy nhiều tiện ích như người tiêu dùng có thể nhận diện được chất lượng, độ an toàn, tin cậy của sản phẩm cũng như các thế mạnh, quy mô sản xuất, thương hiệu của chủ thể đã tạo ra sản phẩm đó. Tuy nhiên, công nghệ mã QR mới chỉ thông tin gián đoạn sản phẩm nông sản đó được sản xuất bởi ai, khi nào chứ chưa giúp người dùng hình dung rõ nét cả quá trình từ lúc sản xuất cho đến thu hoạch, bảo quản, vận chuyển, tiêu thụ sản phẩm. “Việc truy xuất nguồn gốc nông sản không phải chỉ là dán tem đơn thuần hay áp dụng tem điện tử mà cần phải quản lý được toàn bộ từ khâu sản xuất đến cung ứng sản phẩm. Truy xuất nguồn gốc nông sản cần phải làm theo chuỗi, tức toàn bộ quá trình tạo ra sản phẩm đó. Công nghệ “blockchain” trong truy xuất nguồn gốc nông sản được áp dụng ở một số tỉnh, thành trên phạm vi cả nước đã giải quyết được vấn đề nói trên, Quảng Nam cần ứng dụng” – ông Bốn nói. Muốn vậy, trước tiên cần hỗ trợ nông dân kiện toàn mạng lưới internet thật tốt, hướng dẫn họ sử dụng thành thục các ứng dụng của công nghệ và hỗ trợ chi phí phát sinh…

VIỆT NGUYỄN

Theo http://baoquangnam.vn

Bài viết liên quan