Sẽ có nguy cơ nhiễm bệnh từ tủ lạnh nếu chúng ta sắp xếp thực phẩm trong các ngăn chưa hợp lý, rã đông không đúng cách. Vậy cách phòng ngừa bệnh từ tủ lạnh tốt nhất là gì?
Ngăn nào của tủ lạnh chứa nhiều nguy cơ nhiễm bệnh tiềm ẩn?
– Ngăn đông: Ở nhiệt độ càng lạnh, các mầm bệnh như vi khuẩn, virus, ký sinh trùng hầu như “ngủ đông” (không hoạt động).
– Ngăn mát: Vi khuẩn vẫn hoạt động ở mức độ rất thấp, ngăn mát có thể là nơi tiềm ẩn nhiều nguy cơ nhiễm khuẩn, cũng như hư hỏng nhiều thực phẩm.
Sai lầm nào thường gặp khi trữ thức ăn trong tủ lạnh?
Hầu như các thành viên gia đình đều cho thực phẩm vào ngăn mát, từ thực phẩm sống, thực phẩm chín, thực phẩm đóng hộp kể cả thực phẩm vừa mua về. Đó chính là nguyên nhân chúng ta nhiễm nhiều mầm bệnh từ việc sử dụng thực phẩm không đúng cách.
– Thứ nhất, người dùng không rửa và không sơ chế thực phẩm.
– Thứ hai, chúng ta sắp xếp thực phẩm trong tủ lạnh không đúng theo thứ tự gây ra sự nhiễm chéo của các thực phẩm trong tủ lạnh.
– Thứ ba, người dùng cho các thực phẩm đã sử dụng vào tủ lạnh.
– Thứ tư, chúng ta điều chỉnh nhiệt độ ngăn mát không đúng.
– Cuối cùng, chúng ta vệ sinh tủ lạnh không đúng cách.
Thời gian tối đa cho việc bảo quản thức ăn trong tủ lạnh là bao lâu?
Khi chúng ta lưu trữ thực phẩm, cần chia thành nhiều nhóm.
– Đối với thực phẩm đóng hộp đóng gói, cần trữ trong tủ lạnh đúng theo quy định của nhà sản xuất khuyến cáo.
– Thực phẩm tươi sẽ được chia thành 2 nhóm:
- Nhóm thứ nhất là dự trữ ở ngăn đông, là nơi có thể dự trữ thực phẩm khá lâu dài, từ 3 – 6 tháng.
- Thứ hai, khi dự trữ thực phẩm trong ngăn mát, người dùng chỉ dự trữ thực phẩm tươi mới trong vài ngày. Ví dụ như rau củ quả, người dùng chỉ sử dụng trong vòng từ 2 – 3 ngày và tối đa là 1 tuần. Các thực phẩm vừa được chế biến xong, chỉ cần dự trữ từ 1 – 2 ngày.
– Đối với thực phẩm sử dụng dở dang, thông thường người ăn vẫn có thể cho vào tủ lạnh. Trong hộp thức ăn đó, người dùng có thể dự trữ chỉ trong vòng 1 ngày hoặc nếu cảm thấy không an toàn, nên bỏ chúng đi để tránh làm ô nhiễm tủ lạnh.
– Đối với thực phẩm mau hư chẳng hạn như sữa, chúng ta lưu trữ từ 1 – 2 ngày ở ngăn mát sau khi mở nắp.
Vì sao có hiện tượng lây nhiễm chéo trong tủ lạnh?
Lây nhiễm chéo là một khái niệm trong y khoa, nhưng nếu hiểu theo một cách đơn giản là lây nhiễm từ một người này sang một người khác hay từ đồ vật này sang đồ vật khác.
Môi trường tủ lạnh là môi trường kín và trong đó nó có sự lưu thông không khí trong tủ lạnh. Nếu thực phẩm chúng ta để trong tủ lạnh có nhiều mức độ ô nhiễm khác nhau, ví dụ như thực phẩm đã nấu chín sẽ có mức độ ô nhiễm thấp. Đối với thực phẩm mua từ chợ hay đang sử dụng dở dang, mức độ ô nhiễm rõ ràng cao hơn. Lúc nào luồng không khí lưu thông trong tủ lạnh sẽ làm cho mầm bệnh từ vật thể ô nhiễm cao lây sang thực phẩm có nguồn ô nhiễm thấp.
Do đó, để tránh ô nhiễm chéo, nhà sản xuất khuyên người dùng nên để thực phẩm rau củ quả tươi, thịt cá sống ở ngăn dưới. Các thực phẩm nấu chín để trong tủ lạnh cần được để trong hộp nhựa hay những tô có nắp đậy, bọc bằng màng bọc. Ngoài ra, một số thực phẩm mua về cần sơ chế để giảm mức độ ô nhiễm trong tủ lạnh.
Nhiều người cho rằng bỏ thức ăn vừa nấu chín vào trong tủ lạnh là an toàn, điều này có đúng?
Khi chúng ta bỏ thực phẩm còn nóng vào trong tủ lạnh sẽ làm nhiệt độ trong ngăn tủ tăng đột ngột, khiến cho các thực phẩm mất chất dinh dưỡng. Thứ hai, là kích thích các mầm bệnh đang “ngủ” hay đang hoạt động thấp trong tủ lạnh sẽ hoạt động rất nhanh. Như vậy, chúng sẽ làm thực phẩm trong tủ lạnh bị biến tính hay hư đi.
Sơ chế thực phẩm trước khi cho vào tủ lạnh có làm thực phẩm mau hỏng hay không?
Nếu đưa thực phẩm mua từ chợ bỏ ngay vào tủ lạnh sẽ đưa lượng mầm bệnh lớn vào trong tủ lạnh. Khi chúng ta cho thực phẩm vào mà không sắp xếp, tủ lạnh sẽ bề bộn hơn. Mức độ phơi nhiễm của thực phẩm sẽ xảy ra dễ dàng hơn. Do đó, việc sơ chế là bắt buộc.
Đầu tiên, khi chúng ta mang về các thực phẩm có nhiều chất dinh dưỡng như thịt cá hay hải sản, bắt buộc chúng ta phải rửa thật sạch và cắt theo đúng khẩu phần, để vào tủ lạnh đúng chức năng của chúng: ngăn đông hay ngăn mát. Tốt nhất, chúng ta cho thực phẩm vào hộp có nắp đậy hay màng bọc plastic để tránh sự phơi nhiễm sang các thực phẩm khác. Chúng ta cũng nên sơ chế các loại rau củ quả, cắt góc, cắt thành các đoạn ngắn hay dài tùy theo bữa ăn của mình.
Nếu là thực phẩm không đóng gói, rau củ có nhiều đất cát, người mua cần phải rửa và sau đó để cho ráo nước, cho vào bọc và để vào tủ lạnh. Nếu là rau củ quả mua ở siêu thị đã được đóng gói rất sạch và sơ chế trước đó, chúng ta chỉ cần cắt góc, sơ chế lần thứ hai và để vào trong tủ lạnh.
Rã đông thực phẩm như thế nào đúng cách?
Phương pháp thứ nhất rã đông một cách tự nhiên trong nhiệt độ thường, nhưng như thế mất thời gian quá lâu, lớp bên ngoài rã rồi, lớp bên trong chưa kịp rã. Như vậy, mức độ vi sinh hoạt động sẽ khác nhau và làm biến tính thực phẩm.
Có một số người lấy thực phẩm từ ngăn đông để ở ngăn mát qua một đêm, thực phẩm được rã đông chậm, đây là phương pháp an toàn. Tuy nhiên, chúng ta cần lưu ý vì rã đông hơi chậm, cũng chỉ có thể để 24 giờ.
Một khi đã rã đông, không được đông lạnh trở lại bởi vì hàm lượng vi khuẩn trên thực phẩm rã đông đã tăng đến mức đáng kể rồi. Như vậy, thực phẩm có thể thay đổi về mặt chất lượng, thay đổi về mặt ô nhiễm.
Loại vi khuẩn trong tủ lạnh gây hại cho sức khỏe?
– Vi khuẩn thường được kể nhiều là vi khuẩn E.coli vì tất cả thực phẩm đều có vi khuẩn này.
– Đứng thứ hai là nấm mốc, một số loại thực phẩm có nhiều nấm mốc chẳng hạn như cơm nguội, thực phẩm gói bằng lá.
– Thứ ba là vi khuẩn listeria thường xuất hiện nhiều trong sữa và các chế phẩm từ sữa ví dụ như bơ, phô mai, sữa chua… Vi khuẩn listeria thường gây triệu chứng đường tiêu hóa, có thể nhiễm trùng huyết.
– Thứ tư là vi khuẩn bám trên hải sản thường gặp là salmonella. Salmonella là vi khuẩn gây bệnh thương hàn và chúng gây ô nhiễm tủ lạnh của người ăn.
Mở cửa tủ lạnh thường xuyên có thể gây nguy hiểm gì?
Khi người dùng mở cửa tủ lạnh thường xuyên, nó sẽ xảy ra vấn đề: Người dùng làm tăng nhiệt độ ngăn mát và ngăn đông tủ lạnh. Khi tăng nhiệt độ như vậy, sẽ có một khoảng thời gian để nhiệt độ trở về mức bình thường của nó. Qua khoảng thời gian này, vi khuẩn sẽ sống trở lại hoặc phát triển mạnh hơn. Khi mở tủ lạnh thường xuyên, người dùng đang tạo ra sự lưu chuyển không khí trong tủ lạnh và ngoài tủ lạnh. Như vậy, họ đã cung cấp một lượng vi khuẩn khá lớn cho tủ lạnh.
Nên vệ sinh tủ lạnh bao lâu một lần?
Người dùng có thể làm vệ sinh tủ lạnh mỗi tháng 1 lần. Trước hết, cần chọn thời điểm ít cần dùng tủ lạnh nhất, lượng thực phẩm lưu trữ ít nhất. Chúng ta có thể lau tủ lạnh bằng nước chanh, nước giấm hay nước trà pha loãng.
Khi sắp xếp thực phẩm, nên để thực phẩm sử dụng được lâu ra ở phía sau.
Thực phẩm nào gần date hay sử dụng thường xuyên để bên ngoài.
Theo: Viện Y học ứng dụng Việt Nam