Hợp tác xã (HTX) Sản xuất Dầu thực vật Nguyên Chất Bảo Tâm (33 Nguyễn Huy Chương, phường Tân Thạnh, TP.Tam Kỳ) mong muốn sẽ tạo được niềm tin với người tiêu dùng bằng các sản phẩm tử tế.
Kỹ sư cơ khí làm dầu thực vật
Những sản phẩm mang thương hiệu Bảo Tâm đã “ra lò” gồm: dầu đậu phụng, dầu mè, dầu dừa, dầu gấc nguyên chất. Trong đó, dầu đậu phụng nguyên chất Bảo Tâm đang được bày bán ở một số cửa hàng tạp hóa, cơ sở thực phẩm sạch trên địa bàn TP.Tam Kỳ. Để có các sản phẩm chất lượng đến tay người tiêu dùng là cả một quá trình gian khổ mà anh Phạm Văn Huệ (33 tuổi) – Giám đốc HTX Sản xuất dầu thực vật nguyên chất Bảo Tâm phải nếm trải.
Anh Huệ vốn là kỹ sư cơ khí, phụ trách bộ phận thiết kế cho một công ty sản xuất, lắp ráp ô tô lớn trong nước. Cách đây 4 năm, trong một lần sang Hàn Quốc, anh tình cờ nảy ra ý tưởng sản xuất dầu thực vật khi bắt gặp các sản phẩm của nước sở tại. “Một trong các sản phẩm mà nhiều người Hàn Quốc sử dụng để tặng quà cho nhau trong các dịp lễ tết là những chai dầu thực vật bắt mắt, và đương nhiên là rất đắt tiền. Từ đó tôi liên tưởng đến sản phẩm dầu đậu phụng của xứ Quảng với một suy nghĩ, tại sao không có những chai dầu như thế ở thị trường Quảng Nam?” – Anh Huệ nói.
Với suy nghĩ đó, Phạm Văn Huệ bắt đầu tìm hiểu sâu về quy trình sản xuất và những loại máy móc tiên tiến sử dụng để chiết xuất dầu thực vật. Năm 2016, anh Huệ đi khảo sát, tìm hiểu về phương pháp ép dầu đậu phụng thủ công ở Quảng Nam. Đến giữa năm 2017, anh quyết định bỏ hẳn công việc ổn định, thu nhập cao ở công ty để bắt tay vào sản xuất dầu thực vật theo phương pháp ép công nghiệp.
Tuy nhiên, từ ý tưởng đến thực tế sản xuất là chặng đường thử thách rất lớn với anh Huệ. Anh đầu tư dàn máy ép dầu gần 200 triệu đồng nhưng việc vận hành máy để ép ra sản phẩm không phải đơn giản. “Dù là kỹ sư cơ khí, khá rành về máy móc nhưng trong hơn tuần đầu vận hành vẫn liên tục gặp trục trặc khiến cho hàng chục ki lô gam đậu, mè ép mãi chẳng ra được giọt dầu nào. Lại phải khăn gói đi học kinh nghiệm, sau đó mới vận hành trơn tru được” – anh Huệ chia sẻ.
Tham gia OCOP
Những thử thách dành cho một người khởi nghiệp như anh Phạm Văn Huệ đến nay vẫn chưa dừng lại. Ngoài những sự cố thường xuyên trong quá trình vận hành máy làm hư hỏng nguyên liệu, bài toán đầu ra cho các sản phẩm của Bảo Tâm mới thực sự khiến anh đau đầu. Mặc dù sản phẩm ra đời với đầy đủ giấy tờ chứng nhận chất lượng của cơ quan chức năng, cùng mẫu mã, nhãn hiệu bắt mắt nhưng việc tìm đường đến với người tiêu dùng là cả vấn đề. Điều này khác hẳn suy nghĩ ban đầu của anh Huệ khi bắt tay sản xuất dầu thực vật trên chính mảnh đất mà người dân rất ưa chuộng dầu đậu phụng trong chế biến thực phẩm.
“Đành rằng là dầu đậu phụng nguyên chất 100% nhưng khi sản phẩm được đóng chai, có nhãn hiệu, màu trong và đẹp hơn dầu ép thủ công thì dường như tâm lý người tiêu dùng lại e sợ” – anh Huệ trải lòng. Theo anh Huệ, dầu thực vật Bảo Tâm về cơ bản được ép tương tự như cách người dân ép thủ công. Chỉ có điều, các sản phẩm của Bảo Tâm được ép trong quy trình sản xuất khép kín với điểm nhấn là quá trình lọc hút chân không và lắng cặn tự nhiên nên đảm bảo sẽ cho ra sản phẩm sạch hơn. Ngoài ra, HTX Sản xuất dầu thực vật nguyên chất Bảo Tâm còn liên kết với một số HTX nông nghiệp và người dân để bảo đảm nguồn cung cấp nguyên liệu chất lượng. Đây cũng là định hướng lâu dài mà HTX sẽ thực hiện nhằm tạo thành chuỗi cung ứng nguyên liệu cũng như sản phẩm.
Anh Phạm Văn Huệ cho biết, việc cần tập trung hiện nay là tìm kiếm nhiều kênh bán hàng để sản phẩm đến nhanh nhất với người tiêu dùng. Hiện dầu đậu phụng Bảo Tâm đã có mặt ở một số cửa hàng tạp hóa, cơ sở thực phẩm sạch ở TP.Tam Kỳ, sắp tới sẽ là các siêu thị ở trong và ngoài tỉnh. “Phương châm hàng đầu của tôi là phải “kinh doanh bằng sự tử tế”, để cho ra thị trường những sản phẩm mới, chất lượng nhất. Vì thế, tôi tin là người tiêu dùng sẽ chấp nhận và biết đến Bảo Tâm nhiều hơn trong thời gian tới” – anh Huệ nói.
Niềm mong muốn ấy của anh Phạm Văn Huệ càng có cơ sở hơn khi mới đây TP.Tam Kỳ đã lựa chọn sản phẩm dầu đậu phụng nguyên chất Bảo Tâm là sản phẩm địa phương tham gia chương trình “mỗi xã một sản phẩm” – OCOP năm 2018.
VINH ANH
TÁC PHẨM THAM DỰ CUỘC THI BÁO CHÍ “NHỮNG TẤM GƯƠNG KHỞI NGHIỆP – SÁNG TẠO”
Nguồn:
http://baoquangnam.vn/khoi-nghiep/cau-chuyen-khoi-nghiep/201810/khoi-nghiep-voi-dau-thuc-vat-816655/